Khi chơi một nhạc cụ, ta cũng nên biết về nguồn gốc và xuất xứ của nó, đ̶ể̶ ̶c̶ò̶n̶ ̶c̶ó̶ ̶c̶á̶i̶ ̶đ̶ể̶ ̶c̶h̶é̶m̶ ̶g̶i̶ó̶ ̶t̶r̶o̶n̶g̶ ̶c̶á̶c̶ ̶b̶u̶ổ̶i̶ ̶p̶a̶r̶t̶y̶ để hiểu được phần hồn của nhạc cụ mình đang cầm trên tay.
Tầm 3,000 năm trước ở lục địa châu Phi hoang dã, những người thổ dân vì quá rảnh đã tạo ra một vật dụng bằng gỗ và phím bằng tre nứa để gảy ra tiếng, giải sầu trong những ngày mưa gió mất điện. Họ gọi đó là đàn mbira. Một thời gian sau (tầm 1,300 năm trước), đàn mbira có phím bằng kim loại bắt đầu xuất hiện.
Vì châu Phi rất rộng lớn, nên chiếc mbira ngao du khắp châu lục, mỗi bộ lạc lại lên phím một kiểu, sắp xếp phím khác nhau, và thiết kế hình dáng đàn cũng thay đổi không theo một quy chuẩn nào cả.
Cho đến đầu thế kỷ 20, có một nhà nghiên cứu âm nhạc học cổ truyền (ethnomusicology) người Anh, tên là Hugh Tracey, chuyển đến sinh sống ở châu Phi và đi vòng vèo khắp châu lục, ghi chép lại từng biến thể của đàn mbira. Sau đó tầm những năm 1950, dựa trên đàn mbira, ông tiếp tục nghiên cứu và sáng tạo ra đàn kalimba để phù hợp hơn với thị hiếu của người phương Tây, và chính thức phổ biến và đưa cây đàn này ra ngoài châu Phi.
Vì vậy, có thể nói đàn kalimba hiện đại được tạo ra bởi Hugh Tracey, và thiết kế đàn gần như được giữ nguyên từ hơn 50 năm trước cho đến nay. Các bạn xem đàn kalimba của Hugh Tracey từ năm 1968 cũng không khác đàn mọi người cầm trên tay bây giờ là mấy.
Vậy giờ bạn hãy tự hào rằng bạn đang chơi một nhạc cụ có lịch sử gốc gác hàng nghìn năm trước ở tận một châu lục xa xôi, và mỗi phím đàn bạn gẩy sẽ vang tiếng khắp một thảo nguyên châu Phi mênh mông hoang sơ đầy nắng gió.
Leave a Reply